Đức Phật hữu tình hay vô tình? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Hơn thế nữa, chữ “tình” trong cuộc sống thường ngày của chúng ta và chữ “tình” trong văn hóa truyền thống vốn dĩ là khác nhau. Vậy nên để trả lời câu hỏi ấy, thì cần phải bàn về chữ “tình”.
Khái niệm “tình” mà chúng ta hay bàn tới là chỉ những cảm xúc, tâm thái, hay cách hành xử tốt đẹp nơi xã hội người thường. Chính vì thế, chúng ta hay có những lời khen người tốt như: “hữu tình”, “sống tình cảm”, “chân tình”, v.v.. Người “vô tình” chính là kẻ “lòng lang dạ sói”, sống không biết nghĩ tới người khác, ích kỷ, tự tư tự lợi, v.v.. Ấy là chữ “tình” trong mắt thế nhân ngày nay.
Nhưng trong văn hóa truyền thống, chữ “tình” lại có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Lễ Kí có viết: “Hà vị nhân tình? Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục thất giả, phất học nhi năng” (何为人情?喜, 怒, 哀, 惧, 爱, 恶, 欲七者, 弗学而能), có nghĩa là “Cái gì gọi là tình người? Mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn, gọi là thất tình, không học cũng biết”. Đó chính là chữ “tình”.
Ái tình, cảm tình, nhiệt tình, trữ tình, si tình, giao tình, bạc tình, v.v., chữ “tình” ấy bao hàm mọi sắc thái cảm xúc tình tự của con người. Nó biểu hiện trong những khái niệm như thất tình lục dục, hỉ nộ ai lạc, v.v.. Điều đó có nghĩa là người ta vui thích cũng là tình, buồn chán cũng là tình, yêu cũng là tình, mà ghét cũng là cái tình ấy. Người ta thích làm điều tốt, thích giúp đỡ người khác cũng là tình, mà muốn làm điều xấu, làm hại người khác cũng là cái tình ấy. Chính vì thế, cái “vô tình” hay “hữu tình”mà chúng ta thường hay nói đến ngày nay, tựu chung vẫn là chữ “tình” ấy cả.
Chữ “tình” mà đạo Phật sử dụng tất nhiên cũng có ý nghĩa bao hàm mọi khía cạnh cảm xúc con con người. Đạo Phật dạy phải tu bỏ chữ “tình”. Ví như khi người ta làm một điều tốt, và nghĩ rằng mình làm việc Thiện, thì ẩn dấu đằng sau nó có thể là cái tình đối với người thân, hay sự cố chấp vào hiểu biết bản thân, hay cũng có thể là cái tâm cầu danh, hoặc giả là tâm khoe khoang hiển thị. Vô tư vô ngã thì sẽ không vướng vào cái “tình” này nhưng không có mấy ai làm được như thế. Vậy nên mới nói rằng người ta khó mà thoát khỏi cái tình ấy được.
Tu Phật là gột rửa tâm mình, thoát ly khỏi cái tình, đạt đến cảnh giới “Không” – vô tình (Ảnh: Pixabay, Public Domain) |
Phật giáo thời xưa yêu cầu tăng nhân đoạn tuyệt với hết thảy duyên nợ nơi thế tục. Các tăng nhân khi xuất gia rồi thì đến cả cha mẹ, vợ chồng, con cái đều không nhận, đều phải gọi là “thí chủ”, xưng là “bần tăng”. Điều này bởi vì mục đích cuối cùng là tu bỏ cái “tình” ấy đi, giải thoát khỏi những vướng bận của con người. Tôn giáo chỉ là hình thức bề mặt của đạo Phật, vì thế chuyện cổ Phật gia xưa kia vẫn thường hay có hàm ý nhắc nhở người tu Phật rằng, xây chùa đúc tượng không bằng tu tâm. Dù có dùng bao nhiêu công sức để cúng dường, lập bao nhiêu đám cỗ, bố thí bao nhiêu tiền của thì cũng chỉ là “làm việc” chứ không phải là tu. Vứt bỏ cái “tình”, tu tâm đoạn dục, đó mới là tu hành chân chính.
Vậy thì có thể sẽ có người thắc mắc rằng, nếu nói như vậy thì phải chăng khi tu thành Phật rồi sẽ là vô tình? Có thể nói như vậy, nhưng không phải là khái niệm “vô tình” mà chúng ta hay nói ngày nay. Khi “tình” đi rồi thì cái Thiện chân chính mới có thể sinh ra. Chẳng phải đạo Phật nói về tâm từ bi hay sao? Trong tín ngưỡng truyền thống, người ta hay nói rằng Đức Phật đại từ đại bi, rằng Quan Thế Âm Bồ Tát từ bi, chính là để nói rằng khi thật sự không bị cái tình của người thường ràng buộc, thì các vị Thần Phật mới có được nội tâm trong sáng, và hoàn toàn là vô tư vô ngã. Đó chính là chữ “Không” của Phật gia hay chữ “Vô” của Đạo gia. Khi người ta không mang một cái tâm nào cả, “vô vi” mà làm việc, thì hành động ấy mới là sáng suốt nhất.
Tượng Phật tại Sri Lanka (Ảnh: Pixabay, Public Domain) |
Chính vì Đức Phật thuần Thiện, luôn lấy từ bi mà đối đãi con người, nên ngày nay người ta mới nhìn nhận rằng Đức Phật “hữu tình”. Điều đó cũng không đáng trách, vì dù sao thì chữ “tình” trong người thường và chữ “tình” của đạo Phật vốn dĩ khác xa nhau. Người tu hành tự thân sẽ hiểu được hàm nghĩa chân chính của chữ “tình” và sự “từ bi” mà nỗ lực vươn đến.
Đức Phật hữu tình hay vô tình? Chính là tùy cảnh giới nội tâm của mỗi người mà nhìn nhận.
Quang Minh
0 comments:
Đăng nhận xét